Người Ở Đâu Về

  • Ngày đăng :
  • 11/03/2023
  • Lượt xem :
  • 83
  • Định dạng
;

Thông tin Người Ở Đâu Về:

Trong quãng thời gian từ năm 1947 đến năm 1952, Heinrich Böll đã cho ra đời nhiều tác phẩm viết về đề tài chiến tranh. Nguồn tư liệu viết truyện của ông được lấy từ những sự kiện mà chính ông đã trải qua, với tư cách là một người lính trong Thế chiến Thứ II. Người ở đâu về? (nguyên bản tiếng Đức là Wo warst du, Adam?) là một trong số đó. Cuốn này được ông viết vào năm 1951. Thông qua 9 chương sách khá độc lập nhau, cuốn tiểu thuyết nói đến số phận của Feinhals và những người lính cùng chung chiến hào với anh trên mặt trận phía đông vào những tháng cuối cùng của cuộc chiến. Trong những tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh của Böll, không có anh hùng. Nhân vật chính trong những tác phẩm này đều là những người lính bình dị, những người lính bị chèn ép, áp bức. Họ không làm chủ được cuộc sống của chính mình và sự hy sinh của họ trên chiến trường hoàn toàn là vô nghĩa – những cái chết thường là đau đớn và không có gì gọi là cao đẹp cả. Với tư tưởng chỉ trích chiến tranh, Böll viết vô cùng thực tế; ông nhìn nhận chiến tranh không phải là một cuộc phiêu lưu kỳ thú mà là một “căn bệnh thương hàn.”

Lời tựa cho cuốn sách là 2 câu nói: một là của Antoine de Saint-Exupery, người đã ví chiến tranh như căn bệnh thương hàn; và một là của Theodor Haecker, người đã gợi ra rằng vấn đề cơ bản của xã hội nước Đức đương thời chính là cứ lấy chiến tranh ra là cái cớ để gỡ tội cho mình – “Hồi ấy, anh ở đâu hở Adam?” “Tôi đang tham dự Đại chiến”. Câu nói này của Haecker đã được Böll trích một phần để làm tựa cho cuốn tiểu thuyết. Với Böll, Adam là đại diện cho một xã hội từ chối thừa nhận trách nhiệm trước những hành vi của mình. Đó cũng là hiện thân của những nhân vật đáng thương như Feinhals (Fanhan) và những đồng đội của anh – những người lính được kêu gọi nhập ngũ chiến đấu cho một mục đích mà họ cho là vô nghĩa. Không may, tính thụ động, hay sự bất lực của họ trước những hành động ấy, đã cho phép những nhân tố tiêu cực trong xã hội, ở đây là chế độ quốc xã, trỗi dậy dẫn đến vụ Thảm sát Holocaust.

Böll mô tả sự khủng khiếp của vụ thảm sát Holocaust thông qua sự đụng độ giữa viên Đại úy SS Filskeit, chỉ huy trại hủy diệt và cô gái người Hung-ga-ri theo đạo Do Thái Ilona. Böll khắc họa Filskeit là một kẻ có cổ to, bụng to, chân ngắn, thiếu hấp dẫn nhưng lại có xu hướng tình dục tiềm tàng trong máu. Filskeit là một kẻ cuồng tín chủ nghĩa Quốc xã về cái gọi là sức mạnh của dòng máu thuần chủng của tộc người A-ri-an. Sự mô tả tính cách của Filskeit chính là một bài văn châm biếm những nét tiêu biểu của lính quốc xã nói chung: ngưỡng mộ quá mức phẩm cấp, tuân lệnh cấp trên một cách mù quáng và một kiến thức nông cạn về nghệ thuật. Filskeit mê mẩn những bản hợp xướng và trong suốt thời gian chiến tranh, khi được cử đến bất cứ trại nào, hắn đều lập ra một ban hợp ca. Khi Ilona tới, hắn yêu cầu cô hát trong khi hắn tuyển mộ nhân sự cho ban hợp ca của hắn. Khi cô hát bài “Kinh cầu nguyện cho tất cả các vị thánh”, Filskeit nhận ra cái lý thuyết ngụy biện của ý thức hệ Quốc xã về sức mạnh của giống người A-ri-an thuần chủng đã trở thành tâm điểm của cuộc đời hắn. Ở Ilona, hắn thấy hắn đã cố công tìm kiếm trong bản thân con người hắn một thứ không tồn tại: “một dòng máu cao quý, hoàn hảo kết hợp với một thứ làm hắn hoàn toàn tê liệt, đó là lòng trung thành.” Phản ứng của hắn thể hiện đúng bản chất méo mó của con người hắn: hắn bắn chết người thiếu phụ và ra lệnh giết hại hết toàn bộ những người Do Thái còn lại trong trại.

Lời văn của Böll trong những chương này là một minh chứng rõ ràng cho thái độ của ông trước vụ Thảm sát Holocaust. Nếu như có đôi khi, Böll có vẻ như muốn kết tội tất cả những người Đức về trách nhiệm của mình trước những hiện thực xảy ra, thì cũng có lúc ông lại diễn tả trách nhiệm này trong những người Đức bình thường, những người vẫn bảo toàn được nhân tính của mình mặc dầu phải đối mặt với tính hung bạo ở khắp nơi. Khi người lính Feinhals (Fanhan) gặp Ilona, tình yêu của họ dành cho nhau vượt lên trên hẳn những vấn nạn của loài người hay của dân tộc. Cái chết vô nghĩa của anh ở cuối truyện, giống như cái chết của Ilona, đã nhấn mạnh sự vô nhân tính của chế độ quốc xã mà Thảm sát Holocaust là một ví dụ điển hình.