Mùa Hè
- Tác giả :
- Edith Wharton
- Chuyên mục :
- Tiểu Thuyết Phương Tây
- Ngày đăng :
- 11/03/2023
- Lượt xem :
- 73
- Định dạng
Thông tin Mùa Hè:
Dịch giả: ThS. Nguyễn Kim Ánh
Xuất thân từ một cộng đồng biệt lập bị người đời khinh ghét, Charity Royall luôn mang trong mình nỗi mặc cảm với mọi người xung quanh. Nàng không mở lòng với ai và luôn cảm thấy cuộc sống của mình thật vô vị, tẻ nhạt, cho đến mùa hè năm ấy, khi cuộc chạm trán tình cờ với chàng trai thành thị Lucius Harney đem đến cho nàng một mối tình lãng mạn, say đắm. Lần đầu tiên, Charity lần lượt nếm trải những dư vị ngọt ngào cũng như cay đắng của tình yêu, và cuộc đời nàng từ đó hoàn toàn thay đổi…
Báo Chí Giới Thiệu
Tình yêu cứ tồn tại, nhưng không có sex, nhưng những xúc cảm nồng nàn vẫn cứ hiển hiện và cuốn hút người đọc vào một không gian rực rỡ, tràn ngập ánh nắng mùa hè. Tiểu thuyết “Mùa hè” mang đến sự tiếp xúc gần gũi như chạm tới tận cùng những tình cảm thật nhất của con người.
Với tài năng nghệ thuật đặc biệt, nhà văn Mỹ tài năng Edith Wharton đã khiến “Mùa hè” trở thành một bản tình ca ngọt ngào, lãng mạn mà không cần quá nhiều những miêu tả cảm xúc yêu đương, trở thành những bài học thực tế nhất của cuộc sống mà không cần thiết phải diễn tả quá trần trụi.
“Mùa hè” nói về miền quê North Dormer (Mỹ), một chiều tháng 6, trong những năm đầu tiên của thế kỷ XX đã chứng kiến cuộc tình của cô bé thôn quê mười chín tuổi Charity Royall và chàng thanh niên đến từ thành phố là Lucius Harney. Vùng quê vốn tẻ nhạt ấy đã bắt đầu thay đổi…
Xuất thân từ một cộng đồng biệt lập bị người đời khinh ghét trên Núi Lớn, cô bé Charity được ông Royall nhận nuôi từ nhỏ sau khi bố cô bị tống vào tù. Cô được đem ra khỏi cộng đồng đó và sống trong vùng quê tươi đẹp, hẻo lánh tên North Dormer. Việc số mệnh an bài cô tại North Dormer đã là một đặc ân, so với nơi xuất thân của cô. Tuy vậy, lớn lên, cô bé Charity thơ ngây cảm thấy cuộc sống của mình thật tẻ nhạt, vô vị. Những ấm ức vì không có cơ hội được thực hiện “niềm khao khát được biết những thông tin mà công việc thủ thư tại thư viện làng của nàng không khơi dậy nổi” đã khiến cô luôn cảm thấy chán ghét mọi thứ ở North Dormer bé nhỏ.
Cho đến khi cô gặp Harney. Tình bạn của họ nhanh chóng chuyển thành tình yêu. Ở Harney tồn tại một nguồn sinh lực mạnh mẽ làm thoả mãn những ao ước được trải nghiệm của cô. “Cũng bởi anh là người đầu tiên tán dương nàng vì xuất thân của nàng”. Một cách hết sức tự nhiên, Harney đã mang đến cho Charity một tình yêu giản dị nhưng vô cùng mới mẻ, thuần khiết nhưng đắm say, đam mê nhưng hết lòng tôn trọng.
Tuy nhiên, tình yêu ấy không hề thuận lợi. Sự khác biệt về học vấn và tương lai đã vạch ra giữa họ một khoảng cách mà họ không cách nào vượt qua dù có cố gắng đến đâu. Trong khi người bảo trợ của cô, ông luật sư Royall, người đàn ông góa vợ, cao ngạo, hay say sưa, giờ lại muốn lấy cô làm vợ.
Khi Charity biết mình có thai cũng là lúc cô phát hiện Harney giấu cô việc từ lâu anh đã có hôn ước với một cô gái khác và chưa tìm ra lý do gì để hủy hôn. Đó là lý do anh cũng chưa chắc chắn với dự tính tương lai của hai người. Từ bỏ lời ước hẹn của Harney khi rời khỏi North Dormer rằng sẽ thu xếp công chuyện để có thể sớm kết hôn với cô, Charity quyết định sẽ trở về nguồn cội để sinh đứa bé và nuôi con một mình.
Nhưng khi tìm lên Núi Lớn, chứng kiến cái chết khổ sở của người mẹ đẻ, của cuộc sống khốn khổ ở đó, “Charity quyết tâm đi khỏi nơi này bao xa cũng được, và cuộc đời có trút lên nàng bao nhiêu gánh nặng cũng xong, miễn là bảo vệ được con mình tránh khỏi số phận này”. Cô quay về đúng lúc ông Royall muốn đưa cô đến nhà thờ để làm hôn lễ.
Và cuối cùng, hôn lễ của Charity đã diễn ra. Đó là luật sư Royall luôn ở bên bao bọc và chờ đợi cô quay trở lại sau những khám phá riêng tư hay là Harney, người đàn ông cô yêu say đắm đã tìm về? Chỉ biết rằng đó là người mà nàng thấy rằng mình được an toàn, vững tâm khi bên cạnh…
Tác giả
Nhà văn Edith Wharton (1862 – 1937), một nữ văn sĩ Mỹ tài năng, đầu thế kỉ XX mà tên tuổi và sự nổi tiếng của bà chưa bao giờ khép kín trong biên giới một quốc gia. Những cuốn tiểu thuyết của Wharton như The House of Mirth (Ngôi nhà của niềm vui – 1905), The Custom of the Country (Tập tục địa phương – 1913), Summer (Mùa hè – 1917), The Age of Innocence (Thời thơ ngây – 1920), và cuốn tiểu thuyết ngắn được trau chuốt tuyệt vời Ethan Frome (1911)… đã từng chinh phục độc giả đến từ rất nhiều nước và nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Với “Thời thơ ngây” viết năm 1920, Edith Wharton đã đoạt giải Pulitzer năm 1921 và được NXB Penguin bình chọn là một trong số 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại (nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Tủ sách kinh điển), sánh cùng các kiệt tác khác như “Đồi gió hú”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Lolita”, “Anh em nhà Karamazov”…