Lịch Sử Văn Minh Trung Hoa

  • Ngày đăng :
  • 11/03/2023
  • Lượt xem :
  • 76
  • Định dạng
;

Thông tin Lịch Sử Văn Minh Trung Hoa:

Trước khi dịch cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa, cụ Nguyễn Hiến Lê đã có khá nhiều tác phẩm viết hoặc dịch về triết học và văn học Trung Quốc. Do vậy, so với cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ, cụ có nhiều điều kiện hơn để giúp người đọc dễ hiểu rõ và hiểu đúng nguyên tác hơn. Nhờ “vài chữ hoặc một câu ngắn trong mạch văn” đặt trong dấu [ ] và nhờ phần chú thích của cụ, chúng ta biết được rằng cụ đã đính chính mấy chỗ sai, hoặc chúng ta thấy nhiều chỗ, thay vì dịch theo bản chữ Pháp, cụ lại dịch theo bản chữ Hán mà cụ tìm được, cũng có khi cụ dịch trọn một đoạn mặc dầu trong nguyên tác, tác giả chỉ trích dẫn vài câu ngắn.

Ngược lại, trong các cuốn như Lão tử – Đạo Đức kinh, Khổng tử, Sử Trung Quốc, chúng ta thấy nhiều chỗ cụ Nguyễn Hiến Lê dẫn lời của Will Durant. Ví dụ, trong cuốn Khổng Tử, cụ viết: “Durant, tác giả bộ Lịch sử văn minh, đã nhận định đạo Khổng rất đúng: “Chỉ trong đạo Ki-tô và đạo Phật, chúng ta mới thấy có sự hùng tâm gắng nhân hóa cái bản chất con người như đạo Khổng”. Ngày nay cũng như ngày xưa, dân tộc nào cũng bị cái nạn giáo dục thiên về trí dục quá mà đạo lí suy đồi, tư cách cá nhân cũng như tập thể thấy kém quá thì không có phương thuốc nào công hiệu hơn là cho thanh niên được thấm nhuần đạo Khổng.

Nhưng chỉ một triết lí Khổng học thôi, chưa đủ. Nó rất thích hợp với một quốc gia cần thoát khỏi cảnh hỗn loạn nhu nhược để lập lại trật tự lấy lại sức mạnh, nhưng đối với một quốc gia cần cải tiến hoài để ganh đua trên trường quốc tế thì triết lí đó là một trở ngại”.

Chúng ta đã biết rằng cụ Nguyễn Hiến Lê mua bộ Lịch sử văn minh của Will Durant vào khoảng 1969, và khoảng bốn năm sau cụ viết bộ Trang tử – Nam Hoa kinh, nhưng trong bộ này tôi không thấy cụ dẫn lời nào của Will Durant; hơn nữa, cụ Nguyễn Hiến Lê lại không có chút nghi ngờ nào giống như Will Durant rằng thuyết luân hồi trong các kinh Veda của Ấn Độ đã ảnh hưởng đến học thuyết của Trang tử, nên cụ bảo: “Trang tử không phải là nhà khoa học, mà thời ông sống, đạo Phật chưa truyền qua Trung Hoa, ông không biết các luật khoa học, và luân hồi, nhưng ông đã cảm thấy một cách sâu sắc luật biến hoá trong vũ trụ. Ông nghĩ rằng chúng ta chết rồi có thể biến thành bất kì một vật nào khác như đổi căn nhà (VI.6) mà vật cũng vậy, cũng có thể biến thành người, và dù biến thành gì thì vật và ta rốt cuộc cũng trở về Đạo, “qui căn”, hợp nhất với Đạo. Đó là một tư tưởng đặc sắc của ông, làm căn cho thuyết không phân biệt ta và vật, trọng thiên tính và sự tự do của vạn vật”.

Trong cuốn Sử Trung Quốc, chúng ta thấy cụ Nguyễn Hiến Lê trích dẫn rất nhiều từ bộ Lịch sử văn minh, đặc biệt là từ cuốn Lịch sử văn minh Trung Hoa, và có lẽ do chịu ảnh của Will Durant, trong cuốn đó, cụ trình bày khá chi tiết nền văn minh Trung Hoa. Cụ bảo: “Tôi cho lịch sử Trung Hoa là lịch sử của một nền văn minh vô cùng độc đặc, tuy ra đời sau vài nền văn minh khác: Ai Cập, Lưỡng Hà… nhưng tồn tại lâu nhất”.