Khóc Giữa Sài Gòn

  • Ngày đăng :
  • 11/03/2023
  • Lượt xem :
  • 88
  • Định dạng
;

Thông tin Khóc Giữa Sài Gòn:

Bức tranh hiện thực, với những gam màu xám lạnh về Sài Gòn của tác giả chuyên về những đề tài gai góc, Nguyễn Ngọc Thạch.

“Tôi tin rằng ai đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn, đều khó có thể rời bỏ nó mà không lưu luyến, vấn vương. Nó không đơn thuần là một mảnh đất, nó là ký ức, là ước mơ, là hoài bão của rất nhiều người. Nhưng, tôi cũng tin rằng những ai sống ở Sài Gòn, cũng đã từng có một lần khóc giữa Sài Gòn.”

Sáu con người giữa đất Sài Gòn.

Phan đi tìm sự hả hê bằng chiến thắng, chinh phục những đỉnh cao xã hội.

Nam lạc trong nỗi đau, đắm chìm trong những ảo tưởng do bản thân dựng lên.

Tú, nhìn đời bằng con mắt lạnh lùng, am hiểu về đàn bà đến kinh khủng.

Mễ, nghiên cứu tâm lý để rồi sợ hãi nhận ra sự thật mình tìm được.

Thụy, chơi vơi, bấp bênh giữa hai bờ giới tính.

Ân, sống ảo, quan tâm đến mạng xã hội hơn cảm xúc người xung quanh.

Họ, có một điểm chung duy nhất là chọn Sài Gòn làm đất sống. Bị ám ảnh bởi bụi xe, bởi đèn Sài Gòn xanh xanh đỏ đỏ, bởi những quán café, bởi những ổ bánh mì… bị ám ảnh bởi khát khao tìm cho được đáp án cho câu hỏi, “Tôi là ai?”

Họ, được Sài Gòn gắn kết, sắp xếp để đan xích họ vào đời nhau, để cùng trải qua những hoan lạc, chia ly. Để rồi đến cuối cùng, lại được đứng cùng nhau, chỉ đơn giản là khóc, cho hả hê lòng, cho tan nỗi đau.

Họ, người đi kẻ ở, nhưng vẫn tin rằng có ngày gặp lại, chỉ cần một niềm tin nhỏ nhoi đó vẫn giữ người ta chờ nhau… chờ như chuyện Sài Gòn.

Trích đoạn

“Giữa Sài Gòn có một tiệm café nhỏ nằm trong hẻm, chủ quán là cô kiến trúc sư năm nay đã ngoài bốn mươi, chưa chồng. Quán tên “Chờ”, nghe khắc khoải như nỗi niềm cô mang.

Năm đó, cô và anh yêu nhau nồng cháy, cái tình yêu đầu đời chớm nở, bừng bừng như lửa mà hai người lại thành thiêu thân lao vào, sống chết gì cũng mặc, chỉ cần được bên nhau là toại nguyện. Tình cảm chưa được bao lâu, anh nghe gia đình bỏ đi vượt biên.

Ngày đi, anh nắm chặt tay cô, hứa là qua được bên kia rồi sẽ quay về tìm, làm đám cưới để đón cô sang ở cùng. Rồi anh cứ vậy mà đi biền biệt. Năm năm cô chờ, mười năm cô chờ, hơn hai mươi năm cô vẫn chờ, tuổi xuân trôi qua rồi, giờ ngoài bốn mươi, cô vẫn chờ.

Ai hỏi, cô cũng cười nói, “Chờ người mình yêu, xứng đáng lắm”.

“Chờ” đầy tranh cô vẽ. Chủ thể là đàn ông. Thân hình rắn rỏi, đường nét cơ thể rõ mồn một, chỉ mỗi gương mặt tựa khói sương. Khách đến quán những buổi chiều, có lúc thấy cô ngồi bên giá vẽ, tay cầm chì hí hoáy, ai cũng hỏi, “Sao chẳng có gương mặt, hay bà chủ còn nhớ mặt người ta không?” Nghe hỏi cô cười, “Có bao giờ quên đâu mà còn nhớ, chẳng qua là… muốn giữ gương mặt đó lại cho riêng mình, đàn bà tuổi này, ích kỷ lắm.”

Và quán vẫn “chờ”, tranh cũng “chờ”, cô cũng “chờ”.