Dị Hương

  • Ngày đăng :
  • 11/03/2023
  • Lượt xem :
  • 107
  • Định dạng
;

Thông tin Dị Hương:

Một không gian đậm mùi sắc dục. Một “khối” nhân vật “nhuốm” đầy dục vọng. Nhưng “Dị Hương” không thô ráp, trần trụi mà cuồng nhiệt, sâu sắc, thanh thoát, lung linh… Tập truyện ngắn “Dị Hương” đoạt giải thưởng của Hội nhà văn ngày 11/1.

Ông không đi theo lối mòn của bất kỳ ai trong ý tưởng sáng tác cũng như nghệ thuật chuyển hóa “thế giới sex” mang tính thẩm mỹ vào văn học.

Ý tưởng “sex” nổi lên từ…

Nghiền ngẫm những câu chuyện lịch sử gần như là “món ăn” quen thuộc không thể thiếu của Sương Nguyệt Minh. “Hay và rất cần cho nghề”, ông nói vậy. Đọc nhiều, thấm nhiều, Sương Nguyệt Minh bị ám ảnh bởi một nhân vật lịch sử, đó là bậc kỳ tài Nguyễn Ánh – biểu tượng của sức mạnh bền bỉ và nghị lực phi thường, ý chí mãnh liệt. Sức mạnh của phẩm chất hoàng đế trùm thiên hạ và hoàng đế trên giường chiếu hiện lên như một biểu tượng của thế giới dục vọng.

Người xưa, lũ trẻ con hay người lớn người già, vẫn thường truyền tai nhau câu hát về một người đàn bà hồng nhan nhưng mệnh bạc.
 

“Gái đâu có gái lạ lùng

Con vua lại lấy hai chồng làm vua”

Người con gái ấy chính là công chúa Ngọc Bình, một Đức phi tam cung xinh đẹp mong manh và yếu đuối. Nhưng, thân thể nàng luôn tỏa ra một hương thơm quyến rũ đến lạ thường. Hương thơm dị biệt ấy có thể làm cho nhiều bậc kỳ tài không ngoài Nguyễn Ánh bị mê muội, xuôi lòng.

Gần như có một sự gắn kết lôgic nghệ thuật, mùi hương thơm quyến rũ – gái đẹp – bậc kỳ tài – sắc dục, chúng được sâu chuỗi trong ý tưởng của Sương Nguyệt Minh. Và, một ngày đẹp trời khai bút, ông đã viết nên thiên truyện ngắn Dị Hương gây nhiều dư luận trên văn đàn, mang đậm tính hiện đại. Tác phẩm có sự pha trộn của thế giới sắc dục và cả sự hiện diện xuyên suốt của những nhân vật lịch sử như Nguyễn Ánh, Ngọc Bình và nhân vật hư cấu Trần Huy Sán để luận bàn về bậc kỳ tài thiên hạ với mỹ nhân, chiến tranh với bình yên và cái đẹp. 

Một thế giới “sex” mang đầy chất nghệ thuật

Nhuần nhụy trong sử dụng ngôn từ là điều dễ nhận thấy trong truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh. Đó là lựa chọn ngôn từ “đắt”, là xuất hiện nhiều từ láy trong miêu tả, đó là kiểu ngắt câu theo lối tưng tửng tạo cảm giác bất ngờ và điểm nhấn kết hợp với lối tả thực sắc bén quen thuộc của nhà văn. Đặc biệt, tần suất tính dục xuất hiện ồ ạt, liên tục trong Dị Hương tạo ra ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. 
Trong Dị Hương, dục vọng của Nguyễn Ánh bao giờ cũng được lột tả đến tột “đỉnh”. Nguyễn Ánh thỏa sức sung sướng với những thời khắc thăng hoa, vồn vã trên xác thịt cung tần, quên đi mọi hơi hám tanh tưởi của gươm đao. Sex trong Dị Hương như một công cụ ngôn ngữ để dựng nên sức mạnh nhân vật đàn ông tráng niên sung mãn của Nguyễn Ánh, để hoài nghi, so sánh giá trị cái đẹp trần tục của đám cung tần với vẻ đẹp mỹ nhân dị biệt bị áp đảo, trấn áp. 

Sương Nguyệt Minh dùng sex với ý đồ nghệ thuật phóng đại sức mạnh Nguyễn Ánh đè bẹp, khuất lấp hết mọi thứ trên đời. Cả cái đẹp long lanh, sắc nước nghiêng trời của Ngọc Bình cũng bị cái tà khí của Gia Long hút kiệt hương sắc thanh tao. Nàng, sau khi ân ái chỉ còn lại:“Nhợt nhạt. Khô xác. Và thất sắc. Nằm đườn đưỡn như cái xác vô hồn. Dị hương sang trọng quý phái thanh tao biến mất. Cứ mỗi lần ân ái xong là Đức phi tam cung Ngọc Bình như con cá ươn nằm trên thớt”.

Ánh trăng, cố nhiên không phải là một hình tượng lạ lẫm với văn học. Như ai đó từng nói, ta chợt nhớ đến cái vầng trăng – một nửa xót xa và u ẩn của một thi sĩ – hoạ sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh – Hoàng Hữu: Một nửa vầng trăng thôi, một nữa… Ai bỏ quên lặng lẽ sáng trên trời. Đó là vầng trăng của sự tiếc nuối, của nỗi buồn những gì đẹp nhất đã mất đi, đã bị “bỏ quên” đâu đó… Hay, trước đây, Nam Cao đã miêu tả ánh trăng như một ẩn dụ nói về bản chất của văn học lãng mạn và ông gọi đó là ánh trăng lừa dối. Còn Nguyễn Minh Châu thì sao, cũng là cái khác lạ. Ánh trăng là hình tượng hóa của cái đẹp mà không dễ gì nắm bắt được và không gì sâu thẳm hơn cái đẹp ấy. Đó là tình yêu được thêu dệt từ hai trái tim Nguyệt – Lãm vào một đêm trong rừng sâu. Đẹp như chính tựa đề tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng”. 

Hơn một lần nữa, ánh trăng huyền hoặc lại thoắt hiện trong Dị Hương của Sương Nguyệt Minh. Đó là nguồn sáng duy nhất, soi chiếu tất cả những gì hiện diện trong một đêm thanh vắng với mùi hương lạ thoảng bay trong không gian có cái đẹp khó nắm bắt. Ánh trăng, dẫu có chân thực đến đâu nếu chỉ dừng lại ở vai trò của lực lượng siêu nhiên thì tác phẩm vẫn chưa có được chiều sâu nghệ thuật. Bởi vậy, Sương Nguyệt Minh, bằng bút pháp tượng trưng được sử dụng rất nhuần nhuyễn, độc đáo đã gợi cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về tác phẩm. 

Trăng trong Dị Hương là biểu tượng cho vẻ đẹp của công chúa Ngọc Bình, trăng và Đức tam phi – hai hình tượng chiếu ứng lẫn nhau. Dưới ánh trăng, Nguyễn Ánh mới có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp mát mẻ, tràn trề sức sống của người đàn bà chưa một lần được mãn nguyện “chuyện chăn gối”, người đàn bà “có chồng cũng có không bằng không”. Trăng, còn tượng trưng cho sự vẹn tròn, như sức mạnh đầy ma lực của Nguyễn Ánh. Tất cả, đó là cái cớ để Sương Nguyệt Minh cố tình dùng sex “chở” ý đồ sáng tác – lột tả sức mạnh siêu phàm của vua Gia Long trong cả dục vọng. 

Giá trị của Dị Hương không dừng lại ở bút pháp mà còn khả năng tưởng tượng sống động bay bổng của người cầm bút. Khai thác rộng yếu tố kỳ ảo, kết hợp ly kỳ trong sex đã giúp cho Sương Nguyệt Minh thành công về nghệ thuật và cái nhìn về chiến tranh, hòa bình, và cái đẹp. Hình ảnh những con thuồng luồng, giao long, hay trăn đực, trăn cái rất ít được hình tượng hóa trong văn học, thế nhưng trong trí tưởng tượng của mình, Sương Nguyệt Minh đã hóa giải thành công đến bất ngờ: 

Tính dục được miêu tả bằng thủ pháp phóng đại đến phi lý, nhưng người đọc vẫn cảm nhận một cách tự nhiên, nhuần nhụy tựa hồ như cuộc sống đang diễn ra như thế: “Còn vài canh về sáng, Ánh ngả mỹ nhân ra võng. Mỹ nhân chân dài quắp chặt hông lưng Ánh như hai con trăn. Hai tay vít chặt lưng vai Ánh, mặc cho võng bùng nhùng, dập dềnh. Rồi võng lắc hơn bị bão gió. Lá xanh rụng tơi tả. Hai đầu dây võng thay nhau giật cục thân cây. Có lúc hai ngọn vít chụm vào nhau rồi bật trở ra. Chim chóc đang ngủ ban đêm bị đánh thức bay toán loạn. Voi, gấu, hổ, lợn lòi ở khu rừng bên cạnh vểnh tai nghe và nhăn mũi hít ngửi, động rồ chạy đi tìm đồng loại khác giống. Cả một vùng non ngàn rộn rã bước chân thú và tiếng kêu van vỉ gọi bạn tình, ầm ĩ như động rừng…”. 

Tưởng tượng mang nhiều yếu tố kỳ ảo tiếp tục “gánh” thành công đến cho Sương Nguyệt Minh: “Ánh ngạc nhiên thấy dây võng đứt mà vẫn đưa chao trên mặt đất. Té ra, nối hai đầu võng với thân cây là hai con trăn. Trăn đực, trăn cái đều ngóc đầu nhìn Ánh thân thiện, hiền từ và nhẩn nha vặn mình đưa võng nhè nhẹ. Ngọc Bình quặt hai chân hai tay về phía sau ôm quấn lấy võng. Đùi, bụng, ngực ưỡn lên. Ánh phát kinh nghĩ đến chuyện ma quỷ. Trong lòng đầy hồ nghi mình vừa ngủ với giao long cái. Ánh lại chạm chạm tay vào đùi mỹ nhân xem thực hư. Hai đùi nàng trắng lốp, ướt rượt sương đêm, lạnh giá và trơn nhẫy như da con thuồng luồng”. 

Chạy suốt thiên truyện ngắn Dị Hương, người đọc luôn cảm giác vội vã, thôi thúc. Thế nhưng, Sương Nguyệt Minh không chỉ cho Nguyễn Ánh mà cả người đọc nữa đối diện với cái chết oan khiên của Ngọc Bình. Có thể hiểu cái chết như là hậu quả ham muốn đàn ông cuồng dại của Nguyễn Ánh, hoặc liên tưởng đến dị hương – cái đẹp mong manh bị chết tức tưởi bởi sức mạnh tà hương kết vón từ mùi máu tanh tưởi, mùi binh khí đối chạm khét lẹt. 

Nhiều người cho rằng, sex – đề tài không mới lạ trong văn học, nhưng mới đối với Sương Nguyệt Minh. Chất hiện sinh và tính dục trong Dị Hương không phải là một món ăn câu khách với những trò rẻ tiền, mô tả giao phối đực cái trần trụi, tự nhiên chủ nghĩa hay đang tham gia vào quá trình chạy đua nhất thời với các tác phẩm mang tính thị trường hiện nay. Dị Hương có cách miêu tả tính dục dữ dội và cuồng nhiệt, đắm say mà gợi cảm của con người quyện hòa cùng thiên nhiên tuyệt đẹp. Đặc biệt, chi tiết dầy đặc và cách đẩy tình huống truyện lên tận cùng bi kịch nhân vật trong một thế giới sex nghệ thuật khiến cho Dị Hương trở thành một trong những thiên truyện ngắn hay của văn học hiện đại.