Của Cải Của Các Dân Tộc

  • Ngày đăng :
  • 11/03/2023
  • Lượt xem :
  • 73
  • Định dạng
;

Thông tin Của Cải Của Các Dân Tộc:

Của cải của các dân tộc” là cuốn sách kinh điển lớn đầu tiên về lý thuyết kinh tế. Có thể đi xa hơn nữa và nói rằng về mặt lịch sử, đây là tác phẩm kinh điển lớn nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội. Tôi không muốn nói là cuốn sách này đưa ra những phát kiến cơ bản của chân lý trường cửu (mặc dù chưa phải là cuối cùng) như Những nguyên lý của Isaac Newton trong khoa học vật lý vàNguồn gốc các loài của Charles Darwin trong sinh vật học. Khoa học xã hội hình như không chấp nhận loại thành tựu đó. Nhưng “Của cải của các dân tộc” thực ra rất giống hai cuốn sách nói trên vì nó cung cấp mô hình thành công tốt nhất trong phạm vi bao quát của nó và có khả năng cổ vũ mọi thế hệ bởi tầm nhìn xa thấy rộng của nó. Adam Smith không phải là một nhà đổi mới vĩ đại trong việc nắm bắt những nét đặc trưng của hành vi kinh tế nhưng ông đã hơn hẳn tất cả các bậc tiền bối của ông ở chỗ ông nhìn nhận toàn bộ đời sống kinh tế như một hệ thống thống nhất có các phân nhánh trong các ngành khoa học xã hội nói chung, nhất là xã hội học, tâm lý học, chính thể và luật pháp.

Của cải của các dân tộc” còn là một mẫu mực về mặt diễn đạt rõ ràng. Khi viết lời giới thiệu về vấn đề giá trị kinh tế khó hiểu trong quyển I, chương 4, Adam Smith nói: “Tôi luôn luôn muốn làm liều là tỏ ra nhạt nhẽo để biết chắc là tôi diễn đạt dễ hiểu”.

Kinh tế học là một môn học phức tạp, và hầu hết các tác giả hiện thời viết về lý thuyết kinh tế đều dùng ngôn ngữ phức tạp. Smith đã cố sức làm cho những đoạn gay cấn trở nên dễ hiểu, và mặc dù đôi khi phải động não khá nhiều, bạn đọc không nhất thiết phải nắm chắc thuật ngữ chuyên môn và giỏi toán học. Nhìn chung, Smith viết bằng tiếng Anh đơn giản. Và mặc dù ông có nói đến sự nhạt nhẽo nào đó trong cách diễn đạt, hầu hết các chương trong cuốn sách đã cuốn hút sự chú ý của người đọc nhờ có một kết cấu được sắp xếp khá tinh vi, mặc dù khi mới đọc sơ qua lần đầu, người ta có thể chưa nhận thấy. Tính chất không phô trương của dàn bài cuốn sách còn thể hiện trong việc Smith sử dụng các ngôn từ hoa mỹ. Khi ông muốn đưa ra một điểm đặc biệt quan trọng, ông không ngần ngại trình bày nó một cách giản dị hoặc đưa ra một ẩn dụ làm cho người đọc sửng sốt và nhớ mãi: “Chính không phải do lòng tốt của người bán thịt, người sản xuất rượu bia hay người làm bánh mỳ mà chúng ta có được một bữa ăn ngon, mà do sự quan tâm của họ tới lợi ích riêng của họ”. Từng cá nhân chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình, nhưng một “bàn tay vô hình” lại dẫn dắt họ thúc đẩy lợi ích chung.

Smith đã biết cách truyền đạt những ý nghĩ khó hiểu bằng một ngôn ngữ giản dị và đôi khi còn dí dỏm nữa ngay từ khi ông còn là giáo sư giảng dạy môn khoa học xã hội tại trường Đại học Glasgow. Sinh viên tại các trường đại học Scotland ở thế kỷ XVIII cũng chỉ bằng tuổi các học sinh trung học bây giờ. Đa số các thiếu niên theo học các lớp của Smith ở vào độ tuổi 12 – 14. Giáo trình bao gồm luân lý học, các nguyên tắc luật pháp và chính thể, kể cả kinh tế học. Nếu muốn cho các vấn đề giảng dạy có sức cuốn hút đối với các em từ 12 đến 14 tuổi, chắc chắn là giáo viên phải tìm mọi cách diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu và bằng những thí dụ giúp chúng có thể nắm bắt được. “Của cải của các dân tộc” thì phức tạp và tinh vi hơn nhiều so với những bài giảng mà từ đó quyển sách được hình thành, nhưng Smith nắm vững mục tiêu mà ông đang theo đuổi và có biệt tài làm cho những người không biết chuyên môn cũng dễ dàng hiểu được những gì ông muốn truyền đạt.

Adam Smith sinh năm 1723 (được rửa tội ngày mồng 5 tháng 6) tại Kirkcaldy ở Fife. Ông sinh ra khi cha ông đã chết từ 4 tháng trước đó. Ông là người con duy nhất của mẹ ông, mặc dù ông còn một người anh cùng cha khác mẹ, tên là Hugh. Mẹ của Hugh chết năm 1717 khi cậu bé mới lên 8. Cha ông tái giá vào cuối năm 1720 nhưng chết hơn hai năm sau đó, vào tháng 1 năm 1723 lúc người vợ kế tên là Margaret Douglas đang có mang. Cả hai đứa lúc đó không được khỏe mạnh, và người thiếu phụ góa bụa đã sống những ngày dài đầy lo âu về chúng. Hugh hình như thể lực có suy yếu hơn nên đã chết năm 1750 ở tuổi 40. Trong hoàn cảnh như vậy, mọi người dễ nhận thấy tình cảm mẹ con của Adam Smith thật là đằm thắm và hết sức trìu mến. Bà mẹ đã sống rất lâu, và chết năm 1784 ở tuổi 89. Bà chết trước Adam Smith 6 năm, và ở chung với con cho đến khi qua đời. Có lẽ vì thế mà ông đã sống độc thân mặc dù ông cũng đã yêu ít nhất một lần trong đời.

Sau khi theo học trường phổ thông ở Kirkcaldy, Adam Smith được nhận vào trường Đại học Glasgow mà ở đó ông đã dành một tình cảm kính yêu đặc biệt đối với Francis Hutchenson, một giáo sư luân lý học. Hutchenson không phải là một nhà triết học đại tài thời bấy giờ mặc dù ông đã có một vài ý tưởng mới rất đáng quan tâm, nhưng ông là một nhà giáo tài giỏi. Qua một số học trò của mình, ông đã gây một ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền giáo dục địa học ở Mỹ. Luân lý học đóng một vai trò trung tâm trong giáo trình giảng dạy của các trường đại học Scotland ở thế kỷ 18 và nó bao gồm nhiều mặt học vấn, kể cả các nguyên lý chung về luật pháp và chính trị cũng như về lý luận đạo đức học. Giải quyết một cách duy thực quan điểm chính trị là cần phải xem xét nó trên cơ sở kinh tế học. Và các bài giảng của giáo sư Hutchenson thực sự đã chú trọng nhiều đến luật học và kinh tế học. Mặc dầu Adam Smith phát triển những quan điểm riêng của mình về các vấn đề này, nhưng có lẽ ông cũng đã thừa hưởng sự thôi thúc ban đầu từ những lời dạy của Hutchenson.

Từ Glasgow, Adam Smith được chuyển đến Oxford với một học bổng dành riêng cho sinh viên có khả năng đặc biệt tại trường Đại học Glasgow để tiếp tục học thêm ở trường Cao đẳng Balliol tại Oxford. Học bổng ấy vẫn còn và mang lại lợi ích cho cả hai trường. Ở thế kỉ 18, tiền trợ cấp cho sinh viên không đủ như đáng lẽ ra cần phải có. Adam Smith đã bàn luận khá dài trong quyển V cuốn Của cải của các dân tộc và chỉ trích gay gắt khuyết điểm của các thầy giáo tại Oxford: “Ở trường đại học Oxford, phần lớn các giáo sư trong nhiều năm này hầu như đã từ bỏ ý định dạy học”. Ông có nhận xét không hay về mức chi phí cao và hiệu năng thấp của phương pháp giảng dạy ở trường đại học Oxford khi ông lần đầu đến đó với tư cách là một sinh viên. Trong bức thư viết cho người anh họ chịu trách nhiệm chuyển tiền cho ông, ông viết về những khoản “tiền học phí cao quá mức mà chủng tôi phải đóng cho nhà trường khi nhập học. Thật là một điều dại dột do chính mình gây ra nếu người nào đó lại quá ham mê học hành đến mức làm hại sức khỏe của mình tại Oxford. Nhiệm vụ duy nhất của chúng tôi ở đây là đi cầu kinh mỗi ngày hai lần và đi nghe giảng bài mỗi tuần hai lần”. Tất nhiên, ông đã so sánh giữa Oxford và Glasgow nới mà tiền học phí thấp và việc dạy học được ưu tiên. Ông có đề nghị một phương pháp sửa chữa trong Của cải của các dân tộc là tiếp cận kinh tế thị trường, làm thế nào để tiền thu nhập của giáo viên đại học bao gồm một phần là tiền học phí của sinh viên, như người ta thường làm ở Scotland, như vậy một giáo sư giỏi sẽ thu hút được nhiều sinh viên hơn, và do đó cũng được hưởng nhiều tiền học phí hơn, trong khi đó thầy giáo nào kém năng lực ắt sẽ kiếm được ít tiền hơn. Adam Smith, tuy nhiên, không cam chịu sự lơ là của các giáo viên trường Đại học Oxford. Ông đã ráng sức tự học bằng cách đọc rất nhiều sách cổ kim, và đã trở thành một người thông thạo khá nhiều ngoại ngữ như tiếng Pháp, Ý, Hy Lạp, Latin.

Sau 6 năm học tập ở Oxford, ông trở lại Kirkcaldy với lòng mong muốn trở thành một giáo viên đại học hoặc là một gia sư. Một vài năm sau đó, một nhóm những người có danh tiếng ở Edinburgh đã thu xếp để cho Adam Smith giảng dạy mỹ từ học và văn học chủ yếu là cho sinh viên luật học và thần học, trong đó có cả một số người chuyên nghiệp. Những bài giảng của ông hấp dẫn đến mức ông thường được mời dạy tiếp trong những năm sau đó và dạy thêm một giáo trình về những nguyên lý tổng quát về luật pháp và chính trị học.

Trong giáo trình này, Smith đã bàn về kinh tế học, và qua đó mọi người đều thấy là ông đã kiên trì những nguyên lý kinh tế mà nhờ đó ông đã trở nên nổi tiếng.

Năm 1751, Smith được bổ nhiệm làm giáo sư phụ trách môn logic học tại trường Đại học Glasgow. Chỉ ít lâu sau khi ông nhận chức này, vị giáo sư môn luân lý học chết, và năm 1752 Smith được thay thế vị giáo sư này và dạy môn tâm đắc của mình. Ông làm giáo sư luân lý trong 12 năm và được nhiều người mến mộ. Năm 1759, ông cho xuất bản Lý thuyết về những tình cảm đạo đức, một cuốn sách hấp dẫn và rất dễ đọc về luân thường đạo lý. Nó xứng đáng với sự chú ý của mọi người quan tâm đến cuốn sách lớn hơn là Của cải của các dân tộc mà Smith cho ra đời sau này. Những tình cảm đạo đức đã được soạn thảo từ phần đầu tập bài giảng của Smith về luân lý học và kết thúc với lời hứa hẹn sẽ có thêm một cuốn sách về luật học là một đề tài trong phần sau tập bài giảng của Smith. Những bài giảng về luật học là sự tiếp tục tự nhiên của những bài giảng về lý luận đạo đức vì nó đề cập đến các nguyên lý đạo đức chung cho hầu hết tất cả các hệ thống luật pháp. Smith đi vào chủ đề này để trình bày lịch sử luật pháp và chính thể, chú trọng đến luật La Mã nhưng cũng lưu ý mọi người tới những khía cạnh lịch sử cổ đại và nhân chủng học xã hội để khái quát sự tiến bộ của xã hội. Chủ đề đó cùng với sự miêu tả vai trò của luật pháp và chính thể trong xã hội đã đưa Smith tới việc nghiên cứu sự phát triển của các xã hội thương nghiệp giàu có từ những hình thức tổ chức xã hội ban đầu với sự sung túc vật chất còn hạn hẹp. Kinh tế học, mà trước đó chỉ là phần cuối cùng trong những bài giảng của Smith về luật học, đã thống soái tư duy của ông trong nhiều năm. Ngay trước khi rời Glasgow ra đi băm 1764, ông đã bắt đầu viết một công trình độc lập “Về tính chất và nguyên nhân sự giàu có của quần chúng”, do đó đã bỏ qua chưa viết cuốn sách về luật học mà ông dự định viết theo kế hoạch ban đầu.

Cuốn Lý thuyết về những tình cảm đạo đức được nhiều người đọc và rất khen ngợi. Sự nổi tiếng của Smith đã khiến cho một nhà chính trị hàng đầu, Charles Townshend, mời đến làm gia sư cho con trai riêng của ông là Công tước Buccleuch, khi ông đang tiến hành một cuộc công du lớn trên lục địa Châu Âu. Đó là một việc thường xảy ra đối với những nhà thông thái nổi danh được mời đến phụ trách việc học vấn cho một quý tộc trẻ. Cậu học trò thì thấy mình có lợi được học có chất lượng cao và được đi du lịch nước ngoài. Người gia sư thì cũng thấy là tiền lương cao và có dịp đi thăm nhiều nơi ở ngoài nước mà ông khó có khả năng về mặt tiền tài để thực hiện được. Lời mời ông Smith làm gia sư còn bao gồm cả việc trả một nhóm tiền trợ cấp suốt đời khi thời gian dạy học đã hết, với điều kiện ưu đãi như vậy ông có khả năng tiến hành cuộc đi thăm lâu đài Pháp, sau nữa là có thể tiếp tục viết sách trong điều kiện đảm bảo về mặt tài chính.

Smith và công tước đã tiến hành một cuộc du hành kéo dài gần 3 năm trên lục địa Châu Âu, trước hết ở miền nam nước Pháp, sau đó ở Geneva và cuối cùng ở Paris. Một vài tháng sau, em trai của công tước cũng tham gia chuyến du hành này. Smith thấy rõ phải mang hết sức mình để dạy dỗ cho cả hai cậu học trò nhưng cũng không vì thế mà lợi ích riêng của ông bị ảnh hưởng. Qua chuyến du hành, ông nhận thấy nhiều điểm mà đời sống kinh tế của Pháp khác hẳn với ở Anh. Ở Geneva, ông có dịp nhiều lần đến thăm Voltaire là tác giả của nhiều bài viết và quan điểm chính trị mà ông hết sức khâm phục. Ở Paris, ông làm quen với nhiều người tài giỏi trong đó có một nhóm các nhà tư tưởng có những ý tưởng rất độc đáo về kinh tế học.

Vào thời điểm và nơi hoạt động của họ, những người này chỉ được gọi là những nhà kinh tế, nhưng từ đó họ còn được biết là những người theo phái trọng nông vì một người trong số họ, Dupont de Nemours, đã nghĩ ra thuật ngữ “thuyết trọng nông” để miêu tả học thuyết của mình. “Thuyết trọng nông” xuất xứ từ hai từ Hy Lạp có nghĩa là quy luật của thiên nhiên. Nó được coi là châm ngôn cho cuộc sống là phải theo quy luật thiên nhiên, là một học thuyết của các nhà khắc kỷ cổ đại và đã dẫn tới khái niệm về quy luật thiên nhiên và quyền thiên nhiên. Khi áp dụng ý tưởng này vào kinh tế học, những người theo phái trọng nông người Pháp lập luận rằng chính phủ không được can thiệp vào quá trình diễn biến tự nhiên của sự vật bằng các quy định nhằm hạn chế tự do thương mại và bảo vệ các quyền lợi đặc biệt. Họ cho rằng tốt hơn là cứ mặc cho mọi việc mặc sức diễn biến, mọi người mặc sức làm ăn. Họ cũng nhấn mạnh tới vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế, khẳng định rằng chỉ có nông nghiệp mơi thực sự “sinh lợi”. Nông nghiệp làm tăng thêm của cải quốc dân, vì những cây trồng hoặc các mỏ than nằm dưới đất mang lại một thặng dư so với chi phí sản xuất. Những người theo phái trọng nông cho rằng chế tạo công nghiệp, thương mại và dịch vụ là không sinh lợi, những thứ đó có ích lợi nhưng “vô ích” ở chỗ chúng không làm tăng thêm nguyên liệu mà những người nông dân đã làm ra. Chế tạo chỉ đơn giản thay đổi hình dạng của các nguyên lợi đó, còn thương nghiệp chỉ vận chuyển sản phẩm từ nơi này sang nơi khác, từ người này sang người khác mà chẳng thêm vào và cũng chẳng thay đổi gì. Các nhà theo phái trọng nông cho rằng công việc không sinh lợi có thu nhập là nhờ của cải thặng dư do nông nghiệp tạo ra mà thôi. Một phần của cải mà các nhà buôn thu được lẽ ra phải đóng góp cho sự phồn vinh của đất nước, bởi vậy phải giảm phần này đến mức thấp nhất. Nông nghiệp phải được công nhận là một hoạt động có giá trị nhất của đất nước. Khi trình bày quan điểm này, các nhà theo phái trọng nông đã chống lại chính sách hiện hành của chính phủ là coi trọng thành thị hơn nông thôn, công nghiệp và thương nghiệp hơn nông nghiệp, ngăn cấm việc xuất khẩu ngũ cốc để giữ giá rẻ hơn có lợi cho thành thị và hạn chế nhập hàng ngoại đang cạnh tranh với hàng công nghiệp trong nước.

Adam Smith chia sẻ quan điểm của những người theo phái trọng nông về mặt chủ trương tự do thương mại và coi đó là một khía cạnh của “tự do thiên nhiên”. Chính ông đã trình bày một quan điểm tương tự trong các bài giảng và các cuộc tranh luận với các nhà buôn ở Glasgow. Ông không đồng ý với các nhà theo phái trọng nông là nông nghiệp mới sinh lợi, nhưng ông thừa nhận là nông nghiệp đóng một vai trò hàng đầu trong hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, ông chịu ơn các nhà trọng nông về một bản phân tích tài tình do Francois Quesnai, lãnh tụ của nhóm này, biên soạn, đó là Bản phác thảo kinh tế. Bản này trình bày dưới dạng biểu đồ cách thức mà theo đó giá trị sản phẩm nông nghiệp hàng năm được “phân phối” giữa các nhóm kinh tế khác nhau, một phần được chuyển từ các ngành sinh lợi sang khu vực không sinh lợi. Mô hình này cho thấy vai trò của vốn như là một khoản tiền ứng trước, một lượng của cải cần phải có trước mới có thể sản xuất được. Một phần vốn này là cố định (đất đai, nhà máy và thiết bị) trong khi một phần khác là lưu động (dưới dạng tiền lương trả cho công nhân và sản phẩm bán ra) và như vậy cần phải bổ sung hàng năm. Ý tưởng chủ đạo của bản phân tích là vấn đề cân bằng. Hệ thống được duy trì ở thế cân đối bằng cách hằng năm sản xuất ra các sản phẩm mới để thay thế những gì được tiêu thụ và bằng cách lưu thông tiền tệ và hàng hóa giữa các khu vực trong xã hội. Smith đã sử dụng sơ đồ của Quesnai để phát triển thành lý thuyết riêng của mình, nhưng tỉ mỉ hơn nhiều, đó là lý thuyết phân phối thu nhập từ sản xuất, và ông ta có lẽ đã chịu ảnh hưởng của mô hình mà Quesnai đã đưa ra là phải tìm cho được một hệ thống liên kết các hiện tượng.

Ngay sau khi từ Pháp trở về vào cuối năm 1766, Smith ở lại Kirkcaldy để viết Của cải của các dân tộc. Những trang sách ngày càng cộm lên, và ông mất nhiều thời gian hơn dự tính, nhưng cuối cùng, năm 1773, ông cho là cuốn sách đã gần đến chỗ kết thúc để ông mang bản thảo đi London chuẩn bị cho in. Ở London, cũng như ở Paris, ông lại có dịp gặp gỡ và chuyện trò với những người lỗi lạc về chính trị, nghệ thuật và khoa học. Nhưng việc đó không hề làm chậm trễ công trình mà ông dự định hoàn thành. Trái lại, ông còn tranh thủ sự giúp đỡ của những người hết sức thông thạo như Benjamin Franklin bằng cách đọc những phần trong bản thảo cho họ nghe và sau đó tu chỉnh lại dưới ánh sáng của những lời nhận xét sáng suốt của họ. Franklin đã cung cấp cho Smith những tin tức có giá trị về Mỹ vì ông còn rất giỏi trong lĩnh vực kinh tế.

Của cải của các dân tộc được hoàn thành năm 1775 và được xuất bản ngày 9 tháng ba năm 1776. Một số bạn bè của Smith, tuy đánh giá cao công trình này, đã nghĩ rằng cuốn sách này không đại chúng lắm do vấn đề đặt ra trong cuốn sách là khó hiểu, nhưng trên thực tế lần xuất bản đầu tiên đã được bán hết trong 6 tháng. Nhà sử học Edward Gibbon đã đoán trúng khi ông ta nói trong một bức thư viết cho nhà triết học Scotland Adam Ferguson rằng: “Thật là một tác phẩm tuyệt vời mà ông Adam Smith, người bạn chung của chúng ta, đã mang lại cho quần chùng! Một ngành khoa học mênh mông trong một cuốn sách duy nhất, và những ý tưởng sâu sắc nhất được thể hiện bằng một ngôn ngữ dễ hiểu nhất”. Năm 1778 thì cuốn sách được xuất bản lần thứ hai với những sửa chữa không đáng kể. Đến lần xuất bản thứ ba vào năm 1784 thì cuốn sách được sửa đổi và bổ sung khá nhiều. Trong khi Smith còn sống, cuốn sách được in lại nhiều lần; lần thứ tư năm 1786 và lần thứ năm 1789, nhưng chỉ có những sửa đổi nhỏ so với lần xuất bản thứ ba được bổ sung thêm.

Khi Của cải của các dân tộc được xuất bản lần đầu, nó được sự hoan nghênh của các giới trong chính phủ và các nhà thông thái. Một vài khuyến nghị về đánh thuế nói trong cuốn sách đã được Thủ tướng Huân tước North thực hiện trong ngân sách năm 1777 và 1778, và lời khuyên của Smith cũng được xem xét trong chính sách của chính phủ đói với Mỹ và Ireland. Do đó, nhiều người cũng khá ngạc nhiên là, một năm sau khi xuất bản cuốn sách, Smith định xin giữ chức giám đốc sở thuế quan ở Edinburgh, một chức vụ không có danh tiếng lắm. Có lẽ ông ta còn do dự chuyển về làm việc vĩnh viễn ở Scotland vì cũng có tin đồn là ông muốn ở lại London cho nên ông đã đề nghị đổi địa vị ở Edinburgh lấy một chức vụ ít lương hơn. Tuy vậy, Smith đã chấp nhận chức giám đốc sở thuế quan và đã làm việc hết sức tận tụy. Sau khi đã dành những nỗ lực to lớn và nhiều thời gian cho việc biên soạn tác phẩm vĩ đại của mình, ông chắc cảm thấy dễ chịu khi các công việc hàng ngày chỉ còn là dự các cuộc họp và giả quyết các báo cáo.

Đã đến lúc ông được quay trở lại với nghề nghiệp thực sự là viết sách, lại bắt tay vào việc biên soạn cuốn sách về luật học mà ông đã dự định viết ngay từ giai đoạn đầu, và còn viết thêm một cuốn khác nữa về lịch sử nghệ thuật và khoa học. Cả hai cuốn này, cũng như Những tình cảm đạo đức và nhất là Của của của các dân tộc, phải mang tính chất triết học hoặc lý thuyết. Trong một bức thư viết tháng 11 năm 1785 cho công tước de La Rochefoucauld, Smith đã viết về cả hai dự án này với những lời lẽ như sau: “Cuốn thứ nhất là một loại lịch sử triết học của tất cả các ngành văn học và triết học (nó bao gồm những gì mà chúng ta bây giờ gọi là khoa học, thơ ca và mỹ từ học), cuốn thứ hai là lý thuyết và lịch sử về luật và chính thể”. Ông nói là đã viết xong một phần lớn hai cuốn này và ông đang sửa chữa để cho tái bản cuốn Những tình cảm đạo đức. Lúc bấy giờ, ông nghĩ là việc này đòi hỏi ít thời gian và ông có thể hoàn thành trong vòng vài tháng. Nhưng trong hai năm 1788 và 1789, ông đã để lại không viết những công trình mới mà chỉ duyệt lại cuốn Những tình cảm đạo đức. Ông đã bổ sung nhiều và sắp xếp lại gần như hoàn toàn cuốn sách này cho nên nó đã có một nội dung hầu như khác hẳn trước. Cuốn này được xuất bản chỉ một vài tháng trước khi ông qua đời và như thế hai công trình mà ông đang viết đành phải bỏ lại dở dang. Một tuần trước khi chết, ông có nhờ hai người bạn thân hủy bỏ các bản thảo. Tuy nhiên họ cũng được ông đồng ý giữ lại một số tiểu luận ông viết trước đó đã lâu, và sau khi ông Smith mất, hai người bạn này đã cho in dưới đầu đề là Những tiểu luận về các vấn đề triết học. Đáng lưu ý nhất là một bài tiểu luận khá dài về lịch sử của thiên văn học mở đầu bằng việc trình bày lý thuyết triết học về cách giải thích trên cơ sở khoa học. Từ bài tiểu luận này và một vài bài khác, chúng ta có thể thấy những ý đồ của Smith về lịch sử triết học của nghệ thuật và khoa học. Chúng ta có thể có một khái niệm đáng tin cậy về cuốn lịch sử luật pháp và chính thể mà ông dự định viết qua hai tập bài giảng về luật học mà ông đã học mà ông đã đọc ở trường Đại học Glasgow trong những năm học 1762 – 1763 và 1763 – 1764. Nhưng chúng ta cũng có thể suy ra, khi so sánh phần kinh tế học của các bài giảng ấy với cuốn Của cải của các dân tộc, là cuốn sách dự tính viết về luật pháp và chính thể chắc hẳn sẽ còn có nhiều điều mới mẻ hơn so với cách trình bày khi giảng bài ở trường. Chắc hẳn sẽ có một chủ đề thống nhất để làm cho cuốn sách dự tính đó trở thành “lý thuyết và lịch sử”. Tôi cho là chủ đề thống nhất này có mối liên hệ với cả “Những tình cảm đạo đức” và “Của cải của các dân tộc”. Thật đáng tiếc là Smith đã không sống đủ lâu để hoàn tất mọi điều sở nguyện của ông. Ông đã mất ngày 17 tháng 7 năm 1790 tại Edinburgh.

Kiệt tác của Adam Smith có tên đầy đủ là Một công trình nghiên cứu bản chất và nguyên nhân phát sinh của cải của các dân tộc. Tìm ra được nguyên nhân tăng của cải quốc dân (hoặc theo cách nói hiện nay là tăng trưởng kinh tế) rõ ràng là một nhiệm vụ khó khăn. Các bạn có thể nghĩ là chẳng có gì khó hiểu về của cải quốc dân (bản chất của nó), nhưng Smith lại thấy đó là một vấn đề cũng quan trọng. Vào thời của ông, học thuyết phổ biến về lý thuyết kinh tế và chính sách của chính phủ là của cải quốc gia nằm trong những thỏi vàng thỏi bạc. Một cán cân thương mại thuận lợi, là xuất siêu, phải làm giàu cho đất nước, làm tăng khối lượng tiền tệ, và cũng vì nghĩ như vậy, chính phủ phải điều tiết cơ cấu thương mại để đạt được cho được một cán cân thuận lợi. Người ta lập các biểu thuế để bảo hộ mậu dịch nhằm giảm lượng hàng hóa nhập khẩu và trợ cấp cho việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Các nước lớn ở Châu Âu đều có thuộc địa mà họ coi như một thị trường hàng đầu để xuất khẩu và là một nguồn cung cấp nguyên liệu. Các nước này có xu hướng cấm các thuộc địa của họ mở mang ngành chế tạo hoặc buôn bán với các nước khác, ngoài mẫu quốc. Adam Smith gọi các chính sách đó là chế độ trọng thương kinh tế chính trị học vì nó bảo vệ các hoạt động thương nhân tránh khỏi mọi ảnh hưởng của cạnh tranh. Sau này, nó được gọi là chủ nghĩa trọng thương. David Hume, một người bạn của Adam Smith, (một triết gia và một nhà sử học lỗi lạc, cũng là một nhà tư tưởng sắc bén về các vấn đề kinh tế), đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các ý tưởng của chủ nghĩa trọng thương. Qua các bài giảng về luật học tại trường Đại học Glasgow, Smith thừa nhận ông rất biết ơn Hume về những tư tưởng của ông này, nhưng ông nói thêm rằng David Hume chưa dứt khoát bác bỏ quan điểm cho rằng của cải quốc dân là tiền tệ. Smith coi nhận định này là một sai lầm cơ bản của chủ nghĩa trọng thương. Của cải thực sự của một nước nằm trong hàng hóa có khả năng tiêu thụ và trong lao động sản xuất ra nó. Của cải tăng là do số lượng hàng hóa tăng lên và như vậy hàng hóa phải nhiều hoặc, theo quan điểm của Smith, phải rẻ. Chính sách bảo hộ mậu dịch làm giảm số lượng hàng hóa, hạn chế buôn bán và làm cho hàng hóa ngày càng trở nên khan hiếm. Chủ trương tự do mậu dịch của Smith xuất phát từ sự xác nhận những chân lý cơ bản này và như vậy đã vạch trần sai lầm của chủ nghĩa trọng thương.

Còn về những nguyên nhân tăng trưởng kinh tế, thì từ những nhận định trên suy ra là nguyên nhân chủ yếu của nó nằm trong sự phát triển buôn bán không những giữa các nước mà cả giữa các tư nhân và các nhóm thương nhân trong một nước. Xuất phát đầu tiên từ sự đổi chác thô sơ, việc buôn bán muốn được phát triển cần phải có thị trường và các hoạt động thị trường cấu thành điểm trung tâm trong phân tích của Smith. Nhưng trong quá trình tìm kiếm những nguyên nhân, ông đã đi đến kết luận là nguyên nhân cơ bản tạo nên toàn bộ quá trình tăng trưởng kinh tế là sự phân công lao động. Người ta chỉ trao đổi hàng hóa khi nhận thức được là chuyên môn hóa sản xuất có lợi cho tất cả các bên. Nếu như một người trồng ngũ cốc và một người khác làm bánh mỳ, thì sự hợp tác của hai người sẽ đem lại cho họ một lượng lương thực lớn hơn là mỗi người làm ăn riêng lẻ. Khi công nhân trong ngành chế tạo biết phân chia quá trình xã hội ra thành nhiều khâu khác nhau thì chắc chắn họ sẽ trở nên khéo léo hơn và sản xuất được nhiều sản phẩm hơn trong cùng một khoảng thời gian nhất định. Nâng suất lao động tăng được là nhờ cải tiến công cụ lao động, thiết bị máy móc, và do công nhân biết nâng cao kỹ năng, kỹ xảo và khéo léo của mình. Nhưng Smith coi cả hai mặt này như là biểu hiện của việc tăng mức độ phân công lao động vì ông nghĩ rằng chính những công nhân lành nghề qua kinh nghiệm sản xuất thực tế hiểu rõ hơn ai hết là công cụ có thể giúp họ tiết kiệm công sức, nên họ tìm mọi cách đổi mới và cải tiến thiết bị. Smith cũng hiểu rất rõ là sau một thời gian sử dụng, các công cụ và máy móc được đổi mới và cải tiến ngày một tốt hơn nhờ các kỹ sư và các nhà thiết kế chuyên nghiệp, nhưng ông chỉ ra rằng sở dĩ có những chuyên gia như vậy là cũng do có sự phân công lao động.

Ông đã chứng minh kết quả của việc phân công lao động bằng một thí dụ mà chính ông đã biết được. Một xưởng chế tạo đinh ghim với số công nhân là 10 người làm 18 thao tác đã sản xuất được khoảng 50.000 đinh ghim một ngày. Nếu một người tự mình sản xuất đinh ghim, một ngày anh ta chỉ có thể làm được một hoặc quá lắm là vài cái đinh ghim là cùng… Thí dụ này có tác dụng to lớn vì ai cũng quen dùng đinh ghim nhưng ít ai lại biết sự khác biệt lớn như vậy trong việc chế tạo tập thể và cá nhân. Smith không thể tự mình nghĩ ra được thí dụ này, và chính ông đã ngạc nhiên khi đọc một bài viết về kỹ nghệ làm đinh ghim trong Bách khoa toàn thư nổi tiếng của Pháp. Ông đã xem và tra cứu vấn đề này tại thư viện trường Đại học Glasgow khi ông còn là giáo sư ở đó. Smith còn nhận được một điều sâu sắc và độc đáo hơn là sự phân công lao động không những làm cho công việc của con người dễ chịu hơn vì họ làm ra sản phẩm được nhiều và rẻ, nó còn tăng cường những quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong xã hội. Cuối chương I của cuốn “Của cải của các dân tộc” miêu tả một số lớn công nhân đã đóng góp vào việc cung cấp các vật dụng cần thiết cho người lao động hoặc nông dân mà vì thế phụ thuộc vào sự “giúp đỡ và hợp tác của hàng ngàn người khác”. Điều này nói lên rằng một người tuy không có đủ tiện nghi như một ông hoàng nhưng cũng còn dễ dịu hơn nhiều so với một người cầm đầu một bộ lạc có dưới quyền mình “mười ngàn người mọi rợ trần trụi”. Đoạn viết này nhấn mạnh đến cả xã hội học lẫn kinh tế học. Tù trưởng tuy có mười ngàn người dưới quyền nhưng chỉ được hưởng tiện nghi tối thiểu của thời kỳ hoang dã, còn người nông dân tuy không có quyền lực gì đối với người khác nhưng được hưởng tiện nghi nhiều nhờ sự hợp tác của hàng ngàn phân công. Một xã hội văn minh là nhờ ở một hệ thống hợp tác tự phát do thiên hướng bản chất của con người chứ chẳng phải do một quyền lực chính trị nào vạch ra và lãnh đạo.

Điểm tổng quát này còn được Smith thể hiện qua hình tượng nổi tiếng là “bàn tay vô hình”. Những hoạt động phức tạp của các lực lượng thị trường, cũng giống như sự phân công lao động, mang lại lợi ích lớn cho xã hội và nâng cao mức sống. Người ta lại thấy rõ ở đây là lợi ích không do một kế hoạch nào định đoạt. Người mua và kẻ bán trên thị trường đều chịu sự tác động của lợi ích riêng của chính họ mà thôi, nhưng họ phục vụ cho lợi ích chung của xã hội mà không hề nghĩ gì về việc làm này cả. Khi Smith nói những người mua bán trên thị trường bị chi phối bởi một bàn tay vô hình để góp phần vào lợi ích công cộng mà họ không hề nghĩ đến, Smith không đưa thần học vào kinh tế học. Ông chỉ sử dụng một ẩn dụ sinh động để mô tả những công lao của một quá trình tự nhiên. Sự phân công lao động và hoạt động của thị trường trở thành những nguyên nhân chính tạo nên của cải của các dân tộc. Cả hai đều là quá trình tự nhiên, không dự kiến trước, và tốt hơn hết là nên để tự nó vận hành không có sự can thiệp của chính trị.

Vai trò quan trọng của thị trường đã đưa Smith đến chỗ tìm cách giải thích khâu trung tâm của nó là giá cả và khái niệm liên đới về giá trị kinh tế. Đây là một vấn đề khá phức tạp và Smith biết rõ là khó mà làm sáng tỏ mọi vấn đề. Một phần bản trình bày của ông, thuyết về giá trị do lao động, thực ra đã bị nhiều tác giả sau này phê phán nghiêm khắc. Những lý thuyết hiện đại về giá trị kinh tế còn tinh vi hơn nhiều và cũng khó hiểu hơn nhiều. Bản tường trình sơ khởi của Smith ít ra cũng giúp chúng ta thấy được các vấn đề cần phải giải quyết.

Smith vạch rõ sự khác biệt giữa “giá thực”, hoặc giá trị, của hàng hóa và “giá danh nghĩa” của nó tính bằng tiền. Ông chỉ rõ là giá thực hay giá trị là chi phí về mặt lao động. Người làm ra một mặt hàng phải lao công khổ não nên phải được đền bù bằng một thứ gì khác có ích cho mình, thường là một thứ gì mà người khác cũng đã phải lao động để tạo ra, cho nên việc dành được thứ đó có nghĩa là tiết kiệm công sức của mình. Mặc dù anh ta không muốn dùng cái mà anh ta đã mua nó vẫn là một lượng lao động mà anh ta có thể đổi lấy một cái gì khác mà anh ta muốn. “Vậy, lao động là thước đo thực tế đối với giá trị trao đổi của mọi thứ hàng hóa”. Cách diễn giải cơ bản chỉ phù hợp với một xã hội nguyên thủy, trong đó lao động là yếu tố phí tổn duy nhất để sắm được những thứ mình mong muốn. Trong một hình thức xã hội phát triển hơn, Smith còn thấy những yếu tố khác nữa. Ngoài ra, thuyết về giá trị do lao động, một mặt là xét về khía cạnh thỏa dụng hay có ích, và mặt khác là công lao động chẳng thích thú gì, thuyết đó không hoàn toàn phù hợp với cách diễn giải của ông về giá “danh nghĩa” hay giá tính bằng tiền. Các nhà lý luận kinh tế học hiện đại nói cho chúng ta biết là thuyết về giá trị của Smith không phải nói về giá cả mà là một “chỉ số phúc lợi”, một phương pháp cân bằng giữa các “vật thỏa dụng” (các vật mang lại sự thỏa mãn hay có ích cho việc sử dụng) và các “vật không thỏa dụng”. Song đối với bản thân Smith, ẩn sau những thứ này còn có một ý tưởng đạo đức, ý tưởng trao đổi công bằng trong đó những cố gắng bỏ ra được đền bù bằng một lượng tiết kiệm công sức tương đương. Có nhiều đoạn trong cuốn Của cải của các dân tộc trong đó người ta thấy Adam Smith vừa là nhà kinh tế học vừa là nhà triết học. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự việc là thuyết về giá thực chưa có tác dụng nhiều để giải thích giá cả trong thế giới hiện thực, trong khi bài tường trình của ông về giá danh nghĩa lại có tác dụng. Vậy, bây giờ chúng ta hãy trở lại vấn đề này.

Giá cả một phần phụ thuộc vào cầu và một phần phụ thuộc vào chi phí cung cấp. Smith miêu tả ba yếu tố đã cấu thành chi phí cho hàng hóa: tiền lương, lợi nhuận và tiền thuê nhà đất. Tiền lương dùng để trả cho công nhân sản xuất ra vật dụng là một loại chi phí rõ ràng, về nguyên tắc nó giống như chi phí lao động nói trong lý thuyết của Smith về giá trị. Lợi nhuận lại khác hẳn, nó thuộc về người chủ của “cổ phần” hay vốn, tức là tiền hay các thứ vật chất (kể cả nhà máy, công cụ cũng như nguyên liệu) cần thiết kể để sản xuất ra hàng hóa. Người chủ nhận tiến lợi nhuận là để bù lại số vốn đã bỏ ra với rủi ro mất cả vốn lẫn lãi thay vì việc sử dụng số tiền đó để tiêu dùng hoặc thực hiện một mục đích nào khác. Không giống như tiền lương, lợi nhuận không phải là tiền thù lao cho công việc, trong thí dụ này đó là công việc tổ chức và quản lý. Nếu là tiền thù lao thì số lợi nhuận phải tùy thuộc vào lượng lao động, thời gian và tài năng sử dụng vào công việc. Trên thực tế, người có vốn lại muốn lợi nhuận gắn với số vốn đã bỏ ra cho xí nghiệp. Yếu tố chi phí thứ ba, tiền thuê nhà đất, lại khác cả với tiền lương và lợi nhuận. Người thuê đất nhận tiền thuê mà chẳng làm gì cả và cũng chẳng chịu rủi ro bị mất mát. Theo Smith, những người này ngồi không mà được hưởng.

Smith sau đó còn phân biệt “giá tự nhiên” với “giá thị trường”. Giá thị trường là giá người bán đòi người mua phải trả trên thị trường. Giá tự nhiên là giá giả định thuần túy. Tất nhiên, giá thị trường dao động đáng kể, và Smith cho rằng giá tự nhiên là trung bình của các giá thị trường trong một thời gian nhất định. Ông coi giá tự nhiên như là một loại trọng tâm mà giá thị trường xoay quanh nó và hướng tới nó. Khi sử dụng ẩn dụ trọng tâm, ông không ngụ ý rằng giá thị trường là một thực thể có thể gây một sức mạnh thực sự. Ông hiểu rất rõ ràng sức mạnh thực sự tác động trên thị trường là động cơ lợi ích cá nhân chịu sự thúc đẩy của cung và cầu. Nhưng ông cũng nhận thức là những sự lên xuống của giá thị trường cũng tuân theo một mô hình nhất định có thể mô tả như một điểm trung tâm hay điểm trung bình. Mô hình vận động thể hiện một sự cân bằng mà chúng ta thường thấy trong vật lý, ví dụ như trong thái dương hệ. Có nhiều suy diễn tương tự với khoa học tự nhiên trong bản thuyết trình của Smith về sự vận động của nền kinh tế. Đó là một ví dụ khác về thiên hướng triết học của ông mà đã giúp ông hệ thống hóa được được vấn đề kinh tế học.

Thuyết giá cả của Smith đưa ra những lý lẽ là gí tự nhiên, điểm trung tâm của mô hình giá thị trường, có sự liên quan trực tiếp với một điểm trung tâm của mỗi một trong ba yếu tố chi phí. Ông cho rằng có một tỉ suất tự nhiên về giá cả, lợi nhuận và tiền thuê nhà, đất, và giá tự nhiên phải là giá có khả năng chi trả các yếu tố chi phí theo tỉ suất tự nhiên của chúng.

Giá thị trường thực tế thay đổi cùng với những biến động về cung cầu. Nhưng giá cao lên hay hạ xuống có tác động tới các yếu tố chi phí và dẫn đến sự quay trở lại giá tự nhiên. Ví dụ, giá cả tăng và như thế tất nhiên lợi nhuận cũng tăng, điều đó khuyến khích nhiều người quay sang sản xuất mặt hàng được giá này, và như thế gây ra cạnh tranh nhiều hơn và lại làm cho giá cả hạ xuống. Mặt khác, khi giá cả thấp hơn giá tự nhiên, nó sẽ không thể bù đắp được chi phí sản xuất, và tất yếu dẫn đến việc giảm tiền lương và lợi nhuận hoặc giảm tiền thuê nhà, đất. Việc đó sẽ làm cho công nhân, chủ nhà máy hoặc chủ nhà đất phải chuyển sang tìm kiếm một nguồn thu nhập khác, do đó giảm mức cung cấp hàng hóa và nâng giá trở lại mức giá tự nhiên.

Smith không chỉ giản đơn vạch ra logic về mặt lý thuyết. Nội dung cuốn sách của ông cho thấy là ông mất nhiều thời gian và công sức để so sánh giá thực tế của ngũ cốc, bánh mỳ và thịt ở những thời điểm và địa điểm khác nhau và để tìm mối quan hệ giữa giá các mặt hàng đó với tiền lương. Đặc biệt ông so sánh nền kinh tế của các nước phát triển nhanh như Anh và Mỹ với nền kinh tế tỉnh như Trung Quốc và với nền kinh tế suy thoái của Bengal. Công nhân trong một nền kinh tế đang phát triển có điều kiện và thế mạnh hơn để thương lượng với giới chủ và được hưởng tiền lương cao hơn. Smith thấy kết quả là kinh tế thịnh vượng hơn và nói chung sự tăng trưởng kinh tế tự nó nuôi nó và làm tăng thêm của cải của đất nước.

Một sự kết hợp tương tự giữa lý thuyết với sự chú ý tới thực tế được thể hiện trong lý thuyết của Smith về phân phối, nghĩa là phương thức theo đó tiền thu được từ việc bán hàng hóa được phân phối dưới dạng thành tiền lương, lợi nhuận và tiền thuê nhà, đất. Smith cho thấy rằng cung và cầu chỉ là một phần của lý thuyết này. Còn có những yếu tố quyết định khác, và chúng đều khác nhau đối với ba yếu tố nói trên. Phải nói rằng sự phân tích của Smith về xác định tiền lương là rất đáng quan tâm hơn cả. Ở một mức độ nào đó, ông dựa vào quan điểm lý luận của ông về sự cân bằng giữa khối lượng công việc được giao và mức thù lao bằng tiền lương, và ông đã bị quan điểm này chi phối tới mức ông đưa ra ý kiến là mức độ hạnh phúc ít nhiều đều như nhau trong mọi công việc, vì tiền lương trả cao đặc biệt phải được trả giá bằng những rủi ro cực kỳ lớn hoặc quá trình đạo tạo cực kỳ lâu. Mặt khác, ông rất chú ý tới thực tế khi ông nêu ra năm căn cứ để biện minh cho các tỷ suất tiền lương. Lợi nhuận giống tiền lương ở chỗ cũng bị ảnh hưởng bởi công việc quản lý kinh doanh chịu nhiều rủi ro. Tuy nhiên, Smith đưa ra giả thuyết là chỉ số tốt nhất về tỷ suất tự nhiên chung của lợi nhuận là tỷ suất bình quân của tiền lãi, vì lợi nhuận và tiền lãi thường giống nhau về cơ bản, chúng đều là lợi tức do vốn đem lại. Theo quan điểm của Smith, tiền thuê nhà, đất là thặng dư còn lại sau khi tiền lương và lợi nhuận đã được trích ra từ số tiền doanh thu trong sản xuất. Người chủ nhà đất muốn đòi được càng nhiều tiền càng tốt, và số tiền thặng dư nói trên là mức chỉ cao nhất mà người thuê nhà đất có thể trả được.

Smith sau đó tiếp tục trình bày vai trò của tư bản, tiền tệ, hệ thống ngân hàng, và đặc biệt là tiết kiệm trong nền kinh tế. Điều quan trọng của vấn đề này là giải thích một nền kinh tế có thể tăng trưởng như thế nào. Một nhà sản xuất không thể trông chờ bán hết ngay toàn bộ sản phẩm làm ra, mà phải đợi lúc có khách muốn mua mới có khả năng tiêu thụ hết. Khi bán được sản phẩm, nhà sản xuất chi một phần tiền thu nhập vào các công việc chi tiêu cần thiết trước mắt và một phần khác nữa để mua các vật liệu cần thiết cho công việc sản xuất tiếp theo. Phần thứ hai là tiền vốn, và nó được chia thành vốn cố định và vốn luân chuyển. Vốn cố định là phần vốn sử dụng để mua máy móc, công cụ, nhà máy và để cải tạo đất. Vốn này nằm trong những thứ mà người sản xuất luôn luôn có bên mình. Vốn luân chuyển (lưu động) là phần vốn sử dụng để mua nguyên vật liệu, trả lương, trả tiền thuê nhà, đất và các khoản tiêu chi tiêu khác. Khi xét nền kinh tế quốc dân nói chung, thì vốn cố định bao gồm các kỹ năng, kỹ xảo, trình độ nghề nghiệp của lực lượng lao động cũng như máy móc và công cụ (cả hai loại này đều cùng có một vai trò giống nhau), và vốn luân chuyển bao gồm tiền và hàng (thành phẩm và nguyên vật liệu), những thứ này luôn luôn được mua và bán, cho nên chúng luân chuyển. Một vài thứ hàng hóa sau khi được mua sẽ không luân chuyển nữa nữa vì được tiêu dùng hoặc trở thành một phần của vốn cố định. Như vậy, số hàng này bị rút khỏi số vốn luân chuyển, và do đó vốn này luôn luôn cần phải được bổ sung để tiếp tục sản xuất.

Vì vậy, vốn luân chuyển và yêu cầu của nó cần được luôn luôn bổ sung là một điều tất yếu. Không phải mọi người lao động đều đóng góp cho sản xuất, và thật ra cũng không cần phải như vậy. Smith đã không đồng ý với những người theo phái trọng nông là chỉ có nông nghiệp mới có khả năng sinh lợi, nhưng ông công nhận là những người hoạt động trong các ngành dịch vụ, kể cả các nghề tự do, đều là phi sản xuất, không sinh lợi nhưng họ lại rất cần thiết cho xã hội. Nền sản xuất chỉ có thể tăng tiến tiến nếu có thêm nhiều người tham gia vào công việc sản xuất sinh lợi hoặc tìm cách nâng cao hiệu suất của công nhân bằng việc sử dụng máy móc tốt hơn, có năng suất cao hơn. Các phương pháp này đòi hỏi phải có thêm vốn để trả lương cho những công nhân mới tuyển hoặc mua thêm máy móc mới. Càng cần nhiều vốn thì càng phải tiết kiệm, giảm các món chỉ chưa thật cần thiết trước mắt và dùng số tiền để dành đó vào các mục đích mở rộng sản xuất. Quá trình này có tính chất lũy tích. Sản xuất được mở rộng thêm không những trang trải mọi chi phí cho nó, mà còn tạo ra thặng dư và cứ như thế lại giúp vào việc thúc đẩy tiết kiệm và tăng gia sản xuất trong tương lai. Đó là cách làm cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Bức tranh chi tiết về sự vận động của nền kinh tế quốc dân được mô tả ở quyển I và quyển II trong Của cải của các dân tộc. Quyển III trình bày một cách ngắn ngọn lịch sử kinh tế trong đó có nói đến quan hệ giữa thành thị và nông thôn và những đóng góp của hai khu vực này cho sự tiến bộ kinh tế. Sau đó là quyển IV trong đó Smith xem xét các mặt ưu, khuyết của hai hệ thống loại trừ nhau trong kinh tế học chính trị, đó là “hệ thống trọng thương” ủng hộ thành thị (giới công thương nghiệp) và coi nhẹ nông thôn, và “hệ thống trọng nông” (kể cả những người theo phái trọng nông) coi nặng nông thôn và coi nhẹ thành thị. Thực ra, phần lớn sách này có liên quan đến hệ thống trọng thương và điểm chính của sách nói về tự do buôn bán. Chương cuối cùng phê phán một cách có lý luận việc nhấn mạnh quá đáng tới nông nghiệp, trong khi đó vẫn bày tỏ sự tán đồng với những người theo phái trọng nông đã chống lại mọi sự hạn chế của chính phủ đối với việc mở mang nông nghiệp. Hệ thống trọng nông tuy có rất nhiều điểm chưa hoàn hảo những vẫn là một điều rất gần với chân lý đã được công nhận trong kinh tế học chính trị. Nhưng mục đích thực sự của Smith trong quyển IV là phê phán chủ nghĩa trọng thương.

Mặc dù việc ủng hộ tự do buôn bán của Smith được cùng cố thêm bằng niềm tin của ông vào “hệ thống rõ ràng và đơn giản của nền tự do tự nhiên”, những lý lẽ thực sự ông viện ra lại là những lời phê phán hiện thực đối với những biện pháp cụ thể. Việc bảo hộ nền công nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu có giúp cho nên công nghiệp đó, nhưng lại hại cho cả nước nói chung, vì nó thúc đẩy độc quyền và nâng giá hàng lên. Cũng giống như những cá nhân trong phân công lao động, một nước có lợi nhuận hơn do sản xuất những gì mà nước đó làm tốt hơn cả và mang những sản phẩm của mình trao đổi với các nước khác. Một cách tương tự, những khoản trợ cấp cho một nhóm người nào đó, nhưng nhìn chung lại làm tăng thuế đối với dân. Những hạn chế đối với quyền tự do của các thuộc địa trong việc sản xuất và buôn bán là không công bằng đối với các nước đó và còn bất lợi cho mẫu quốc về lâu dài. Những hạn chế đó tạo ra độc quyền buôn bán mang lại lợi nhuận trực tiếp cho giới thương nhân, nhưng lại hướng thương mại vào một phạm vi thị trường hẹp và như thế gây thiệt hại cho nền thương mại chung. Điều đó cũng gây nên sự oán giận của nhân dân các nước thuộc địa, dẫn đến bạo loạn làm cho mẫu quốc tổn thất rất nhiều.

Song, cách tiếp cận thực dụng của Smith không có nghĩa là ông chủ trương tự do mậu dịch một cách tuyệt đối. Ông cho rằng nếu vì lợi ích quốc phòng mà hạn chế thì hoàn toàn đúng vì điều đó còn quan trọng hơn nhiều so với sự giàu có. Ông cho là hợp nếu phải đánh thuế các hàng nhập khi các sản phẩm cạnh tranh trong nước cũng bị đánh thuế vì một lý do chính đáng nào đó. Ông chấp nhận là nếu một nước ngoài ngăn cấm hàng xuất khẩu của một nước khác, thì việc trả đũa là một điều hoàn toàn hợp lý và cũng là biện pháp tốt nhất để thuyết phục nước kia phải sửa đổi cách làm của họ. Khi thời gian đã chín mùi để xóa bỏ mọi hạn chế, thì lòng nhân đạo đòi hỏi việc đó phải được tiến hành dần dần để đừng làm cho hàng loạt người phải chịu cảnh thất nghiệp. Smith tổng kết bài viết của ông về những vấn đề trên bằng câu nói rằng nếu muốn thương mại trở thành tuyệt đối tự do thì đó là điều không tưởng.

Những đoạn viết cuối cùng trong quyển IV đặt tự do buôn bán và “chế độ tự do tự nhiên” vào bối cảnh rộng hơn của khoa học chính trị. Một chính phủ tìm cách quản lý nền cong nghiệp của đất nước tất yếu sẽ vấp phải những ảo tưởng vì khó có thể có sự hiểu biết hoặc sự khôn ngoan đầy đủ để làm công việc đó một cách mỹ mãn. Nhà nước chỉ có nhiệm vụ quốc phòng, thi hành luật pháp và một số chức năng xã hội không thể để cho các cá nhân tự làm được. Nhiệm vụ cuối cùng trong ba nhiệm vụ trên đây của nhà nước cho thấy là Adam Smith không tin vào chính sách tự do kinh doanh trong mọi lĩnh vực. Quốc phòng và luật pháp rõ ràng là những vấn đề thuộc thẩm quyền nhà nước; mục đích của vấn đề là bảo vệ đất nước và con người chống ngoại xâm và nổi loạn. Nhiệm vụ thứ ba mà Adam Smith chỉ rõ là duy trì các công trình công cộng và những thể chế tuy không có lợi cho hoạt động tư nhân nhưng mang lại lợi ích cho toàn thể xã hội. Ông giải thích điều này trong quyển V. Những công trình công cộng đó là đường sá, cầu cống, sông đào và bến cảng, tất cả đều cần thiết cho thương mại. Đôi khi công ty tư nhân duy trì, bảo dưỡng các công trình đó có hiệu quả hơn chính quyền, và nếu như vậy, thì nên giao cho công ty tư nhân quản lý. Nhưng lúc đầu nhà nước phải tiến hành việc xây dựng các công trình đó và trong một số trường hợp cần phải chịu trách nhiệm về việc duy trì, bảo dưỡng nữa. Các thể chế công cộng mà Adam Smith nghĩ đến cũng một phần cần thiết cho thương mại (các đại sứ và các thiết chế nhằm bảo vệ và giúp đỡ những người buôn bán giao dịch với nước ngoài) nhưng cũng phải kể đến cả những thể chế giáo dục. Tất nhiên, ông cho rằng hầu hết mọi công việc giáo dục sẽ phải độc lập, không chịu sự kiểm soát hoặc viện trợ của Nhà nước, nhưng ông nhận thấy là sự phân công lao động có những mặt tốt và cả mặt xấu ở chỗ nó làm cho công việc của người công nhân đơn điệu và buồn tẻ khiến họ không có hứng thú sử dụng trí thông minh hoặc mở rộng sự hiểu biết của họ. Vì thế, Smith kiến nghị là giáo dục tiểu học cần phải được tiến hành ở cấp xã và còn đề xướng nền giáo dục tiểu học là phải bắt buộc đối với tất cả mọi người, đó là đề nghị rất mạnh vào thời của ông.

Chủ đề chính của quyển V là thu nhập, các biện pháp trả công cho việc thực hiện các chức năng của nhà nước. Smith mở đầu bằng những nhiệm vụ của nhà nước để cho thấy nhà nước nhất thiết phải thực hiện những chức năng nào. Trong quá trình bàn luận về vấn đề này, ông đưa ra những nhận xét xã hội họ rất lý thú về sự tiến triển của xã hội qua bốn giai đoạn: săn bắn, chăn nuôi, nông nghiệp và thương mại, và về lịch sử các lực lượng quốc phòng, luật pháp, giáo dục và các thể chế tôn giáo. Một vài vấn đề này đã được nói đến trong các bài giảng của ông về luật học và lẽ ra ông đã phát triển những vấn đề đó trong cuốn lịch sử về luật pháp và chính thể mà ông dự định viết. Nhưng phần lớn cuốn V trình bày về thuế, và Smith đưa ra những nguyên tắc chung hoàn toàn hợp lý về việc đánh thuế. Tất cả những điều ông suy nghĩ và viết đã hợp thành một cuốn sách rất dài. Việc xuất bản toàn bộ cuốn “Của cải của các dân tộc” thường được in trong hai tập. Nhà xuất bản Tủ sách cho mọi người đã quyết định, và đó là một điều đáng tiếc, rằng tốt hơn nên hạn chế công trình này trong một tập duy nhất để có thể bán với giá rẻ hơn, và vì thế đã bỏ không cho in quyển V. Tuy nhiên, các quyển I đến IV đã ghi lại toàn bộ tất cả những điều mà Adam Smith muốn nói khi thực hiện mục đích của ông là “Một công trình nghiên cứu bản chất và nguyên nhân phát sinh của cải của các dân tộc”.