Ba Chị Em
- Tác giả :
- Anton Chekhov
- Chuyên mục :
- Tiểu Thuyết Phương Tây
- Ngày đăng :
- 11/03/2023
- Lượt xem :
- 66
- Định dạng
Thông tin Ba Chị Em:
Cả ba chị em đều có một ước vọng duy nhất: dọn nhà đi đến Moskva. Nhưng không bao giờ họ thực hiện được cái điều mong muốn đó. Không phải vì họ không có phương tiện di chuyển, cũng không phải vì có trở ngại gì giữ họ lại. Họ không có gan và chưa có dịp đi tới. Vả lại đi để làm gì kia chứ? Đối với họ, Moskva là cái bóng xa xôi và hư ảo của hạnh phúc. Và người ta không thể mua một cái vé rồi lên tàu đi tới hạnh phúc được. Thay đổi chỗ ở chưa phải là thay đổi cuộc đời. Đó là những phần tử trí thức, tinh tế và nhạy cảm, nhưng dù họ có cố vùng vẫy ngoi lên khỏi cảnh sống sa lầy, cuối cùng họ vẫn không sao thoát khỏi bàn tay của định mệnh, của cuộc sống tiểu tư sản lầy lũa. Tương lai sẽ giải thoát cho họ mọi đau khổ và trong khi chờ đợi, hãy làm việc, làm việc. Họ đẹp cả ngay trong cái đau khổ, mất mát và họ đáng thương ngay cả trong những hoài bão tin yêu. Nhà văn nhân đạo Sê Khốp đã trân trọng và yêu mến các nhân vật của mình bao nhiêu!
Để tô điểm thêm cho cái cuộc đời dung tục đó càng thêm tuyệt vọng là cặp vợ chồng Andrei – Natasa. Ông anh cả Andrei mà cả gia đình hy vọng trở nên một nhà khoa học, cuối cùng cũng chỉ biết ăn, ngủ, lấy vợ, đẻ con, giả ngây, giả điếc. Natasa thì kệch cỡm và lăng loàn, tham lam và ích kỷ, tàn nhẫn và dâm ô. Chị ta bước vào nhà của ba chị em, nghiễm nhiên chiếm đoạt lấy quyền làm chủ, gây sự với em chồng, bắt nạt chồng, hành hạ đầy tớ và ngang nhiên rước nhân tình vào nhà. Hai vợ chồng đó đã dắt díu nhau sa đọa và đầu độc cả cuộc sống của kẻ khác. Họ đúng là hiện thân của đầu óc thô bạo, độc đoán, ti tiện lối tiểu tư sản.
Xoay quanh các nhân vật trung tâm đó là Versinin, ông trung tá đầu hai thứ tóc mà vẫn đào hoa, thích cao đàm hùng biện hơn là bắt tay thực hiện những ước vọng tương lai của mình; là Xolioni, thô bỉ và tàn nhẫn như một hung tinh,vẫn tự ví mình với một nhà thơ lớn nhưng thực ra chỉ là một tên gây gổ sát nhân, không yêu được Irina thì giết chết hạnh phúc của người con gái ngây thơ đó; là Trebutikin, một ông thầy thuốc không bao giờ chữa bệnh, chỉ biết đọc báo, đánh bạc và uống rượu, mọt ruỗng cả thể xác lẫn tâm hồn, cứ đòi làm lại cuộc đời! Còn một chút gì là tốt lành thì cuối cùng cũng bị hủy diệt nốt: cái chết ai oán và vô lý của Tudanbich, một người xấu trai nhưng trung thực, chồng chưa cưới của Irina, làm cho tấn bi hài kịch càng thêm trọn vẹn. Ba chị em, giữa lúc đau khổ nhất, đã ôm lấy nhau, giữ vững lòng tin tưởng ở hạnh phúc mai sau, kêu gọi nhau cùng làm việc, hy vọng một cuộc đời mới nhất định sắp xảy ra. Tác giả đã nhìn thấy sự phát triển của lịch sử xã hội, và mấy năm sau đó, cuộc Cách mạng Nga năm 1905 đã biến những lời ước vọng của ba chị em thành một sức mạnh chiến đấu cho chân lý và hạnh phúc…”