7 Loại Hình Thông Minh
- Tác giả :
- Seven kinds of smart
- Chuyên mục :
- Tâm Lý - Kỹ Năng Sống
- Ngày đăng :
- 11/03/2023
- Lượt xem :
- 71
- Định dạng
Thông tin 7 Loại Hình Thông Minh:
Có những cuốn sách làm ta rung cảm trước cái đẹp, làm cho ta cảm nhận được chiều sâu của cuộc sống. Có những cuốn sách làm ta ngạc nhiên trước lòng nhân ái vô biên, trước năng lực tưởng tượng kỳ diệu của con người… Cũng có những cuốn sách giúp ta có được cái nhìn mới mẻ về trí tuệ con người, giúp ta tự khám phá trí tuệ của bản thân và tiếp tục suy nghĩ về những tiềm năng của con người.
Cuốn “7 loại hình thông minh” là cuốn sách thuộc loại này. Lý thuyết về trí thông minh đa dạng được TS. Howard Gardner, giáo sư về giáo dục tại đại học Harvard đề xuất năm 1983. Lý thuyết này cho rằng cách đo đạc trí thông minh của con người căn cứ trên chỉ số I.Q là một phương pháp hạn chế. Phát triển tiếp lý thuyết này, trên cơ sở phân tích những bằng chứng liên quan tới não và học thuyết về phân loại trí thông minh của TS. Howard Gardner, tác giả cuốn sách, TS.Thomas Armstrong, đã mô tả 7 loại hình trí thông minh của con người:
1. Trí thông minh logic toán: Đây là loại trí thông minh liên quan tới con số (toán học) và mối quan hệ logic giữa các sự vật. Những người có trí thông minh này thường làm việc trong lĩnh vực liên quan tới con số (toán, vật lý, hóa học, ngân hàng, tài chính…)
2. Trí thông minh ngôn ngữ: Đây là loại trí thông minh liên quan tới năng lực sử dụng ngôn ngữ. Những người có trí thông minh này thường là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội…
3. Trí thông minh không gian: Những người có trí thông minh này thường làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật như kiến trúc, hội họa, điêu khắc, địa chất, vật lý thiên văn…
4. Trí thông minh cơ thể: Đây là loại trí thông minh liên quan tới vận động của thân thể thường có ở những vận động viên thể thao, nghệ sĩ múa…
5. Trí thông minh âm nhạc: Lọai trí thông minh này thể hiện ở khả năng nghe nhạc, ghi nhớ nhanh giai điệu, sáng tạo ra các bản nhạc…
6. Trí thông minh về nội tâm: Thể hiện ở khả năng khám phá chiều sâu của bản thân…
7. Trí thông minh trong tương tác cá nhân: Những người có năng lực quan hệ với mọi người, nắm bắt được suy nghĩ của người khác, giỏi hợp tác, tập hợp mọi người, lãnh đạo… Bằng chứng thể chất của các loại trí thông minh này là khi có một tổn thương nào đó trong não thì một loại trí thông minh tương đương bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi những loại trí thông minh khác vẫn tồn tại.
Tác giả cũng cho rằng một người có thể sở hữu đồng thời nhiều loại trí thông minh với những mức độ khác nhau. Điều này lý giải tại sao có những người xuất sắc trong nhiều lĩnh vực.
Dựa trên phân loại trí thông minh và các bài trắc nghiệm của tác giả, người đọc, hoặc cha mẹ, các nhà giáo dục có thể phán đoán trẻ có những khả năng gì và áp dụng các nguyên tắc giáo dục và học tập phù hợp. TS. Thomas Armstrong nói: “Công việc của tôi, với tư cách là một nhà giáo dục và tâm lý trong lĩnh vực trí thông minh đa dạng, nghiên cứu những hiểu lầm về ADD (attention deficit disorder – rối loạn thiếu hụt khả năng tập trung chú ý) / DHD (attention deficit hyperactivity disorder – rối loạn hiếu động dẫn tới mất tập trung), và tài năng tự nhiên của trẻ em, được định hướng bởi niềm tin rằng mọi đứa trẻ đều được trời cho là những đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ ra đời trên thế giới này đều có những tiềm năng độc nhất vô nhị mà nếu được nuôi dưỡng thích hợp, chúng có thể góp phần làm cho thế giới tốt hơn. Thách thức lớn nhất đối với các bậc cha mẹ và thầy cô giáo là giải phóng những cản trở để những tài năng trời cho được công nhận, tôn vinh và nuôi dưỡng”.
Trong cuốn sách của mình, TS. Thomas Armstrong thể hiện sự hi vọng sẽ có các cải cách rộng rãi và mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục để mở đường cho các loại trí thông minh này được phát hiện và nuôi dưỡng. Theo ông, giáo dục trong nhà trường cần được xây dựng căn cứ trên 7 loại hình trí thông minh đó.
Đọc cuốn sách này của ông, bạn đọc hiểu được tại sao Mỹ có một chương trình thi đại học rất khác biệt. Bài thi đại học (SAT – Scholastic Aptitude Test, từ năm 1993 được gọi là SAT reasoning) của Mỹ không kiểm tra kiến thức học sinh học trong trường học, mà chủ yếu kiểm tra năng lực logic toán và ngôn ngữ của học sinh – được coi là loại trí thông minh nền tảng.
Bài thi này áp dụng cho mọi học sinh thi vào tất cả các trường đại học ở Mỹ. Kiểu bài thi này cũng giúp lý giải thắc mắc của nhiều phụ huynh Việt Nam rằng tại sao học sinh Việt Nam và học sinh trên toàn thế giới cũng có thể thi được bài thi SAT mặc dù các em có thể không học ở Mỹ. Hồ sơ nộp vào đại học Mỹ cũng cho phép bạn gửi bất kỳ cái gì chứng tỏ tài năng của bạn (ví dụ chứng nhận đoạt giải đơn ca thành phố, giải thể thao, âm nhạc, chứng nhận tham gia các hoạt động xã hội, các bài báo, các sách đã in, tranh vẽ, băng đĩa…). Hiện nay đã có hàng ngàn trường học của Mỹ thiết kế lại chương trình giảng dạy để tạo được một môi trường cho các loại trí thông minh được thể hiện và nuôi dưỡng. Chính thức công nhận cơ sở của 7 loại hình trí thông minh này, nhưng TS. Thomas Armstrong cũng không loại trừ sự tồn tại của những loại hình trí thông minh khác nữa. Tuy nhiên, cách phân loại dựa trên bằng chứng của não cũng là hạn chế của cách phân loại này. Nếu chỉ căn cứ vào não, chúng ta có thể không lý giải được hết các năng lực giao cảm, tâm linh, tôn giáo và một số năng lực siêu nhiên khác ở con người.
Tác giả đề xuất hai loại hình trí thông minh nữa là trí thông minh thiên nhiên (những người có khả năng làm việc trong lĩnh vực liên quan tới thiên nhiên như sinh vật, nông nghiệp, môi trường…) và trí thông minh tâm linh (ví dụ như ở các nhà thần học, các nhà hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo, triết học…), trong đó, dễ nhận thấy loại thứ nhất đang ngày càng nổi lên, trong khi loại thứ hai loài người chứng kiến đã có từ ngàn đời.